<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=1505828319731065&ev=PageView&noscript=1" />

Tôi là ai: Mối quan hệ với chính mình

Chúng ta luôn được dạy từ nhỏ phải chăm ngoan, lễ phép, phải biết chào hỏi, nghe lời. Lớn lên một chút, trường học lại dạy ta việc phải biết hợp tác, phải biết làm việc trong nhóm, phải chan hoà, chia sẻ,...

Có một nghịch lý rằng, bất kể chúng ta đã được dạy như thế, khả năng kết nối thực sự của đa số chúng ta với mọi người khá hạn chế. Sự kết nối thực sự phải là kết nối giữa trái tim với trái tim. Trong khi đó, đa số các kết nối khá hời hợt, chỉ xảy ra ở bề mặt, như những cái chạm nhẹ xảy ra với tần suất lớn nhưng không thể tiến sâu hơn được. Càng có nhiều những kết nối thiển cận như thế, chúng ta càng cảm thấy cô đơn, muốn được gắn kết nhiều hơn nữa.

Tôi là ai - Mối quan hệ với chính mình

Nhưng nỗi cô đơn cứ lớn dần. Nó giống một cái lỗ đen cứ hút hết mọi thứ vào.

Và chúng ta tự hỏi mình: Nỗi cô đơn bao giờ chấm dứt? Cuộc sống khổ vậy sao? Tại sao ngay trong những mối quan hệ với cha mẹ và vợ chồng, ta vẫn cứ cảm thấy trống trải vậy? Tại sao ở bên nhau, có nhau, mà ta cô đơn vậy?

Từ trải nghiệm của chính mình, nhiều người lớn chưa hiểu được rằng mối quan hệ với người khác sâu sắc và thoả mãn ở mức độ nào tỉ lệ thuận với mối quan hệ với chính bản thân và mức độ hiểu bản thân, hạnh phúc với bản thân của mỗi người.

Có lẽ chưa có trường học nào ở nước ta từng dạy học sinh: Này các con, các con hãy dành thời gian cho bản thân mình để kết nối với chính mình đã. Khi ấy, các con khắc kết nối được với người khác.

Vì vậy, bao người cứ như những cái cây mất rễ, hoặc có bộ rễ yếu, không đủ khả năng nuôi dưỡng và phát triển bản thân.

Làm sao ta phát triển được bản thân khi tình yêu trong ta chưa đủ lớn? Làm sao ta phát triển được khi chất dinh dưỡng không đủ? Phát triển ra sao khi ta còn băn khoăn ta là ai, khi ta còn nhiều bối rối, lo lắng, sợ hãi? Làm sao ta vững vàng nuôi dạy con khi ta thiếu vắng tình yêu cho chính mình?

Ta bối rối, lo lắng, sợ hãi, thì ta cũng lại truyền bối rối, lo lắng, sợ hãi cho con. Ta không thể giải quyết những triệu chứng đó nếu không giải quyết vấn đề gốc rễ. Vấn đề gốc rễ là ta chưa bao giờ dám đối mặt với sự cô đơn để hiểu nó và để tìm thấy chính mình trong đó.

Khi hiểu được mình, ta không còn sợ cô đơn. Khi hiểu được mình, ta hạnh phúc - cho dù ta một mình hay ở bên cạnh ai. Khi hiểu được mình, ta không cần ai để làm ta hạnh phúc. Ta không có đòi hỏi gì cả. Ta tự do.

Chỉ khi ta tự do thì ta mới có thể hạnh phúc với những người khác. Nếu ta cô đơn, ta sẽ tìm đến những người khác như công cụ để khoả lấp nỗi cô đơn của ta. Khi ấy, ta không thể nào thực sự kết nối với ai được.

Cách để tìm thấy mình là đi thật sâu vào bên trong bản thể của mình. Hãy tĩnh lặng. Hãy chấp nhận bản thân. Hãy quan sát. Hãy đặt câu hỏi. Không cần phải vội vã tìm câu trả lời. Câu trả lời sẽ tự xuất hiện khi bạn đã đủ tĩnh lặng.

Nếu bạn vội vàng tìm câu trả lời, rất có thể bạn sẽ ép câu trả lời qua lý trí. Lý trí thì chậm chạp và hay bối rối. Nó không nên là thủ lĩnh dẫn đầu. Nó phải học cách im lặng và kiên nhẫn để đừng làm rối tung các thứ lên.

TÔI LÀ AI: MỐI QUAN HỆ VỚI CHÍNH MÌNH

Thiền chính là cách để kết nối với bản thể của mình.

Bạn thử thiền đều đặn đi. Và hãy dạy con cái của bạn thiền khi chúng sẵn sàng. hãy để cho chúng có thời gian chơi với nhau, chơi với người khác, và cũng để cho chúng có thời gian chơi một mình khi chúng muốn thế. Không cần phải bắt chúng gặp gỡ 8 tiếng một ngày. Khoảng thời gian dài như thế cho việc gặp gỡ người khác là vô ích. Chúng chỉ cần ít thôi - ít và có chất lượng thực sự, chứ không phải những liên kết lỏng lẻo, vô hồn.

 

Bình luận

Copyright AdamKhooEducationVietNam